.
.
.
  • Banner
  • Bannerb
  • Banner
  • Banner
  • Banner

Đ/c Nguyễn Thị Thanh - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình thăm và làm việc Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia

25/04/2019 18:32:08

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp mới, ứng dụng công nghệ cao

Ngày 13/2, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đi thăm một số cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệp.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đoàn thăm mô hình ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia, xã Gia Lâm,Nho Quan.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đoàn thăm mô hình ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia, xã Gia Lâm,Nho Quan.

 

Cùng đi có các đồng chí Bùi Mai Hoa, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Tô Văn Từ, TVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; Lưu Danh Tuyên, TVTU, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ; lãnh đạo Sở KH&CN; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan. 

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn đã đến thăm mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ, mô hình bảo tồn nhân giống cây trà hoa vàng Cúc Phương của Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia tại xã Gia Lâm (Nho Quan). 

 

Hiện, Công ty đang xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ công nghệ sản xuất giống và dược liệu đinh lăng lá nhỏ theo hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới với diện tích 15 ha cây thương phẩm và 1,5 ha giống gốc. Bên cạnh đó, cơ bản hoàn thiện quy trình chăm sóc, bảo tồn giống trà hoa vàng Cúc Phương.

 

Đây là một cây dược liệu bản địa của Ninh Bình, rất quý, hiếm. Lá và hoa trà hoa vàng sắc uống có tác dụng điều chỉnh các chất béo trong cơ thể, lượng đường trong máu, giải độc gan và thận. Đến nay, Công ty đã thu thập và nhân giống được trên 1.000 cây và đang từng bước hoàn thiện quy trình nhân giống bằng phương pháp giâm hom nhằm mục đích xây dựng thương hiệu trà hoa vàng Cúc Phương, đưa vào sản xuất đại trà theo chuỗi giá trị.

 

Sau khi trực tiếp thăm mô hình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh biểu dương sự nỗ lực của công ty trong việc tham gia bảo tồn giống cây dược liệu bản địa của Ninh Bình. Đồng chí nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện là chủ trương được tỉnh khuyến khích, ngoài ra, việc đưa cây dược liệu vào sản xuất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng là một trong những hướng đi đúng trong thời điểm hiện nay.

 

Với những thành công bước đầu của mô hình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn công ty sẽ tiếp tục liên kết, cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu mua sản phẩm cho người dân, đây chính là hướng phát triển bền vững. 

 

Tại xã Cúc Phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn đã đến thăm hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty TNHH ứng dụng và phát triển công nghệ Trang Ninh. Công ty đang thực hiện mô hình chăn nuôi gà sinh sản, gà thương phẩm giống gà lai giữa gà rừng tai đỏ với gà ri vàng rơm. Trước mắt đã lựa chọn được đàn gà lai thế hệ 1, thế hệ 2, thế hệ 3 giữa gà rừng tai đỏ Cúc Phương và gà ri vàng rơm. Đồng thời, đang đề nghị Bộ NN và PTNT công nhận đây là 1 giống để từng bước xây dựng thương hiệu gà Cúc Phương.

f

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn đã đến thăm hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty TNHH ứng dụng và phát triển công nghệ Trang Ninh, xã Cúc Phương, Nho Quan.

 

 

Cùng với đó, công ty đang thực hiện mô hình sản xuất giống và chăn nuôi lợn Táp Ná, một giống lợn bản địa quý, có giá trị kinh tế cao với quy mô 50 lợn nái và vài trăm lợn con. 

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao tâm huyết của công ty trong việc đầu tư mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, và đề nghị, thời gian tới công ty tiếp tục nỗ lực duy trì và phát triển dự án để trang trại sẽ trở thành điểm cung cấp giống có chất lượng cao cho người dân trên địa bàn trong tỉnh. Đặc biệt cần phát triển việc chăn nuôi thương phẩm để phục vụ cho du lịch; sớm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. 

 

*Tại thành phố Tam Điệp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh và đoàn đã tới thăm mô hình ứng dụng khoa học công nghệ chọn, tạo giống, khai thác, chế biến sữa dê quy mô công nghiệp tại Công ty Cổ phần Giống vật nuôi và cây trồng Đồng Giao. 

 

Tại đây đang nuôi trên 1 nghìn con dê, trong đó có 500 dê lấy sữa theo công nghệ Nhật Bản, thức ăn được phối trộn bao gồm cao lương và nhiều loại dượcliệu, sau đó ủ chua vì vậy chất lượng sữa cũng như thịt dê đều đạt chất lượng tốt, thơm, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao mô hình của đơn vị, đặc biệt là đơn vị đã tiếp nhận công nghệ nuôi dê sữa công nghiệp tập trung từ khâu chọn tạo giống đến khai thác, chế biến sữa, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thịt dê của Ninh Bình đã có thương hiệu, việc phát triển dê nuôi tập trung khép kín với công nghệ cao sẽ góp phần đảm bảo cung cấp nhu cầu rất lớn của thị trường hiện nay. 

 

Đồng thời, việc trồng cây nguyên liệu cung cấp thức ăn cho dê cũng sẽ góp phần hiệu quả thay đổi cơ cấu cây trồng cho các vùng cũng như giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý trong quá trình sản xuất công ty phải luôn kiểm soát chặt chẽ về phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

 

* Cùng ngày, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Yên Mô, Yên Khánh và thành phố Tam Điệp. Cùng đi có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thường trực các huyện, thành ủy.

f

Đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại xã Khánh Dương, Yên Mô.


 

Tại Yên Khánh, đoàn kiểm tra việc triển khai thí điểm mô hình gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy tại xã Khánh Trung. Mô hình được triển khai với diện tích 15 ha, sản xuất lúa chất lượng cao Bắc Thơm 7 theo hướng hữu cơ và thực hiện cấy bằng máy với quy mô 2,2 ha. Ưu điểm của phương pháp này là người nông dân sẽ tiết kiệm được thời gian, giảm công lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp gieo, cấy lúa truyền thống.

Tại huyện Yên Mô, đoàn kiểm tra việc triển khai mô hình tưới tiết kiệm, liên kết sản xuất rau màu ở xã Khánh Dương. Với quy mô vùng tưới hạ tầng 18ha, phục vụ việc gieo trồng các loại cây: hẹ, hành, ngải Cứu. 

Sau gần 3 tháng triển khai, đến nay các cơ quan, tổ chức có liên quan đã phối hợp với Công ty Ớt Việt Nam – đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm thực hiện khá thành công mô hình, đảm bảo đúng tiến độ, khoa học và có ký cam kết tiêu thụ đầu ra. Dự kiến, mô hình sẽ cho hiệu quả kinh tế từ 250-300 triệu đồng/ha/năm.

Đoàn cũng kiểm tra mô hình tưới tiết kiệm cho cây ăn quả vùng đồi tại xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp). Đây là mô hình ứng dụng công nghệ cao được thực hiện theo Nghị quyết 37, Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh. Với quy mô gần 5ha, đến nay mô hình đã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn ươm và xây dựng nhà lưới ươm cây giống. Thực hiện thành công mô hình sẽ bảo đảm cung cấp cho thị trường các loại giống cây ăn quả chất lượng, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác, ước tính sau 4 năm, các loại cây ăn quả sẽ cho thu hoạch và đem về 400 - 800 triệu đồng/ha.

 

g

Đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất tại xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp.

 

 Tại các nơi kiểm tra, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của ngành nông nghiệp và các địa phương trong việc ứng dụng, đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Để các mô hình được triển khai hiệu quả, bền vững, đồng chí lưu ý, Sở NN & PTNT cần tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đánh giá, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng trong thời gian tới.

Đồng chí khẳng định, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một xu thế tất yếu, vì vậy các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, từng bước thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của người nông dân, đáp ứng theo yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Mặt khác, quá trình triển khai thực hiện, các địa phương cần tích cực tham mưu với tỉnh trong việc hoạch định, ban hành các chính sách phát triển nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Nhằm sớm đưa các mô hình được triển khai sâu rộng, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng lưu ý các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học), trong đó đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, góp phần đưa nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững.

Mai Lan – Thế Minh


Tin tức liên quan

Nhận thông tin nhiều hơn từ dược liệu vũ gia